Thanh Thúy – Tiếng Hát Liêu Trai

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xoa dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.”

Xin mượn 4 câu thơ từ bài thơ Ca sĩ của thi sĩ Hoàng Trúc Ly để mở đầu chuyên mục GÓC HOÀI NIỆM.

Trước khi bước vào nội dung các bài viết, xin cho phép chúng tôi có đôi điều cần nói rõ: Đầu tiên, đây chỉ là chuyên mục thuộc về phạm vi cảm xúc cá nhân, với mong muốn nói ra những cảm tưởng của chúng tôi về một số tác phẩm thơ văn – âm nhạc. Những tác giả, tác phẩm thơ nhạc được nhắc tới hoàn toàn dựa trên nguồn tư liệu được sưu tập bấy lâu nay, cũng như cảm quan của cá nhân người thực hiện. Ngoài ra, chúng tôi hoàn toàn không có tham vọng và cũng không thể đủ tư cách để đánh giá các tác giả, tác phẩm dưới cặp mắt của một nhà phê bình. Thứ hai, tự chủ đề hoài niệm đã nói lên phạm trù và giới hạn của các bài viết về sau. Việc nhắc tới những tác giả, tác phẩm tiêu biểu đã vượt lên trên lập trường chính trị cũng như đời sống cá nhân của từng tác giả. Xin được gác sang một bên những tranh luận không đáng có. Bởi lẽ, dù thời thế có thăng trầm, lòng người có thay đổi thì chân giá trị của những tác phẩm để đời ấy vẫn không bao giờ bị mai một.

Xin được phép bắt đầu bằng tiếng hát liêu trai, “tiếng hát lên trời” – Thanh Thúy, một huyền thoại, một nhân cách cao vời khó có được trong đời sống đẩy đưa của giới văn nghệ sĩ.

Ca sĩ Thanh Thúy

Thanh Thúy tên thật là Nguyễn Thị Thanh Thúy, sinh năm 1943 tại cố đô Huế trong một gia đình có 5 người con. Có một thời gian gia đình bà làm ăn sinh sống tại thị xã Phan Thiết, về sau chuyển vào Sài Gòn để tiện cho việc chữa trị căn bệnh nan y của mẹ bà. Tại đây, hình ảnh người mẹ tảo tần phải đêm ngày chống chọi với bạo bệnh đã ăn sâu vào tâm tư Thanh Thúy để rồi như một sự thôi thúc của định mệnh, bà đã bước đến với đời sống âm nhạc và rất nhanh thôi, giọng hát của bà đã trở thành huyền thoại.

Thanh Thúy lần đầu xuất hiện trên sân khấu phòng trà là vào độ tuổi 15, 16. Chỉ một thời gian ngắn sau tên tuổi bà trở nên lẫy lừng không chỉ hầu khắp các phòng trà ở Sài Gòn mà cả trên sóng phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Nữ ca sĩ thường xuất hiện trên sân khấu với tà áo dài thướt tha, nhan sắc sương khói lảng vảng, giọng ca trầm buồn, vừa hát vừa đưa tay vuốt làn tóc buông rơi, đôi mắt buồn vời vợi đẹp đến mê đắm lòng người. Khi cất tiếng hát, Thanh Thúy đưa khán thính giả đến với một thế giới liêu trai kỳ dị bằng chất giọng ma mị và cuốn hút lạ thường. Tiếng hát ấy đã làm say đắm bao thế hệ người nghe nhạc. Bằng chất giọng thiên phú, với dung nhan được xếp vào bậc giai nhân và một lối sống đầy hiếu hạnh, không khó để Thanh Thúy đi vào đời sống tâm hồn của bao lớp người thưởng ngoạn. Vượt lên trên những mực thước của đời sống thường nhật, tên tuổi bà đã đi vào đời sống nghệ thuật bằng những tác phẩm, những ca tụng của giới văn nghệ sĩ dành cho bà. Thanh Thúy đã trở thành hình mẫu lý tưởng, người tình trong mộng của biết bao tên tuổi lớn. Cũng nhờ đó mà chúng ta có được những tác phẩm để đời về sau.

Đầu tháng 1/1960, Thanh Thúy được mời hát trong chương trình Sầm Giang đại nhạc hội do Trần Văn Trạch tổ chức tại rạp Đại Nam. Đại nhạc hội rất thành công, nhưng màn được nhắc nhở nhất vẫn là màn trình diễn của Thanh Thúy. Ngay trong tuần lễ đó, phần lớn các trang báo ở Sài Gòn đều nhắc tới Thanh Thúy, khuôn mặt mới nhưng sáng chói của tân nhạc, giọng ca liêu trai thu hút, lôi cuốn người thưởng thức, giọng ca đặc biệt nhất của tân nhạc Việt Nam từ trước tới nay. Mỗi tờ báo viết một kiểu khác nhau, nhưng cùng một lúc rất nhiều tờ, cho nên chỉ trong vòng có một tuần lễ, hiện tượng Thanh Thúy đã trở thành một cơn bão trong thành phố và chỉ một tháng sau đã lan tràn gần hết miền Nam. Một số phòng trà tại Sài Gòn tới mời bà, rất nhiều đại nhạc hội tới mời bà.

Ca sĩ Thanh Thúy

Giai nhân này luôn được giới văn nghệ sĩ lúc bấy giờ hết lời ca tụng. Giọng ca ấy từng được nhà văn Mai Thảo gọi là “tiếng hát lúc 0 giờ”, nhạc sĩ Tuấn Huy dùng 4 chữ “tiếng sầu ru khuya” để miêu tả. Giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung gọi là “tiếng hát liêu trai”, ông đã viết trong bài Ảo ảnh Thanh Thúy (Nhận định 4, Nam Sơn 1966) như sau: “Thanh Thúy mặc quần áo Việt Nam, kín đáo, đứng đắn, không đeo những đồ giả, hiền lành, dè dặt, khi hát chuyên môn ca bài Việt, hơn nữa chỉ ca một loại nhạc buồn… Đứng trước Thanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả cảm thấy như bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt những hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê đồng ruộng, với sông Hương, núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…”. Hãy xem nhà văn Hồ Trường An nói về bà: “Ở chót vót đỉnh danh vọng mà Thanh Thúy không hề nói một lời kiêu căng hay một lời làm thương tổn tha nhân, không hề bôi bẩn kẻ vắng mặt, không khoe khoang thành tích của mình khi tiếp xúc với báo chí” cũng đủ cho ta thấy bà xứng đáng được ca tụng như thế nào. Nhà thơ Nguyên Sa thì viết: “Thanh Thúy là nữ ca sĩ được ngợi ca nhiều nhất trong văn, trong thơ. Cô chính là người yêu trong mộng của cả một thế hệ”. Quả thật không dễ để một người con gái xứ Huế nhỏ nhắn trở thành người yêu trong mộng của cả một thế hệ như thế.

Thanh Thúy chính là nguồn cảm hứng cho nhiều bài thơ, bản nhạc của nền văn nghệ trước 1975. Từ nhà văn Mai Thảo, Hồ Trường An, nhà thơ Nguyên Sa, Viên Linh, thi sĩ Hoàng Trúc Ly với bài thơ Ca sĩ mà chúng tôi mạn phép trích dẫn từ đầu. Cho đến những nhạc sĩ như Tôn Thất Lập với ca khúc Tiếng hát về khuya, Anh Bằng với ca khúc Tiếng ca u hoài, Y Vân với ca khúc Thúy đã đi rồi, Trịnh Công Sơn với Ướt mi và Thương một người. Nhiều sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương cũng lấy cảm hứng từ tình cảm mà ông dành cho bà. Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Long từng thực hiện cuốn phim điện ảnh “Thúy đã đi rồi” nói về bà. Còn với họa sĩ Vũ Hối, ông buông cọ vẽ cầm bút trao tâm tư cho người đẹp qua nét bút độc đáo như tranh vẽ với bốn câu thơ:

“Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ dòng Hương quê mình
Nghiên sầu từng nét lung linh
Giọng vàng xứ Huế ấm tình quê hương”.

Thanh Thúy với ca khúc Trúc Phương

Có biết bao tài nhân thầm yêu trộm nhớ Thanh Thúy đến mức cuồng mê. Ca nhạc sĩ Duy Khánh là một điển hình. Đạo diễn Nguyễn Long hồi tưởng: “… Đường đi có nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoằn nghèo, lên, xuống đèo rất nguy hiểm nhưng Duy Khánh vẫn lái chiếc Vespa như bay trước mũi xe Citroen”, ông còn cho biết thêm: “Nhiều khi anh lại cố tình lái sát bờ đèo để tỏ cho người ngồi trong xe biết là anh đang rất buồn và sẵn sàng được chết. Những trường hợp như thế hay với bất cứ trường hợp nào khác, Thanh Thúy cũng chỉ mỉm cười…” Trong số hàng tá văn nghệ sĩ từng bày tỏ tình yêu đơn phương với Thanh Thúy, người ta ghi nhận một người can đảm đi đến cuối con đường tình đơn phương dài thăm thẳm ấy, mà không hề có lấy chút khoảnh khắc ngập ngừng nào, đó là nhà thơ, tài tử, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Long. Sau những thăng trầm dâu bể, khi gặp lại Thanh Thúy ở Hoa Kỳ, vị đạo diễn này đã thốt lên: “Gặp lại dĩ vãng thần tiên của mình và thấy Thanh Thúy hát trên sân khấu San Francisco, tôi thấy Thúy muôn đời không thay đổi. Thúy là người ca sĩ, bạn hiền nhất của nền tân nhạc Việt Nam. Giọng hát của Thúy vẫn như xưa. Có phần chắc hơn, già dặn và rung cảm hơn. Thúy là một trong số ít ca sĩ vẫn giữ được giọng hát của mình, không xút giảm dù qua biết bao thăng trầm của đất nước và cá nhân…”. Ông cũng chính là tác giả của phần lời bài hát Thôi nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân, là bài thơ thất tình sầu muộn mà Nguyễn Long gửi về Thanh Thúy:

“Thôi em đừng khóc nữa làm gì
Kỷ niệm sầu ân tình cũ xa xưa
Thôi em đừng khóc,
Em đừng khóc, đừng khóc nữa giọt lệ sầu
Làm sao xóa hết tâm tư
Thôi em đừng tới nữa làm gì
Đừng để lòng se lại khúc yêu đương
Thôi em đừng tiếc
Em đừng tiếc, đừng tiếc nữa
Đừng để lòng anh trở lại kiếp u buồn
Ôi, cuộc đời đầy phong ba giữa lòng người
Lệ sầu chia ly buồn tê tái
Ly rượu này đầy thương đau tấm hình hài
Thu man mác buồn mùa thu ơi
Thôi em đừng nhắc nữa làm gì
Từng nẻo đường in hình bóng chung đôi
Thôi em đừng nhớ
Em đừng nhớ nữa chuyện của mình
Kiếp này đành lỡ duyên rồi
Thôi đôi bờ vai đừng rung động
Đã hết rồi còn khóc nữa chi em…”

Bài hát Thôi được nhiều ca sĩ trình bày, trong đó có cả ca sĩ Thanh Thúy. Hát thì cứ hát, nhưng con tim của bà chẳng chút lay động, cho dù hằng đêm đạo diễn Nguyễn Long vẫn miệt mài bám theo bà trên từng cây số, qua những phòng trà mà bà đến biểu diễn. Người đẹp vẫn đó, vẫn đùa vui trước đôi mắt ngây dại của gã si tình mà chẳng hề quan tâm.

Ấy rồi, trong một dịp tốt nghiệp của một khóa học ở trung tâm huấn luyện không quân Nha Trang, trường đã tổ chức văn nghệ và mời Thanh Thúy đến hát giúp vui. Tại đây bà đã gặp một sĩ quan có tên Ôn Văn Tài, là huấn luyện viên ở trung tâm này, người mà về sau là Trung tá không quân, không đoàn trưởng của một không đoàn đóng tại Cần Thơ. Sau những lần thư từ qua lại thì đến năm 1964 hai người chính thức trở thành vợ chồng. Sau khi lên xe hoa Thanh Thúy tạm nghỉ hát một thời gian, không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Bà cũng giã biệt Sài Gòn hoa lệ để về nhà chồng ở Đà Nẵng. Tưởng chừng khán giả yêu nhạc thời ấy sẽ vĩnh viễn không còn thấy lại bóng hình Thanh Thúy trên sân khấu nữa. Tuy nhiên vài năm sau đó, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã tìm đến tận nhà để thuyết phục bà đi hát trở lại, vì khán giả vẫn còn yêu thương và nhung nhớ giọng hát liêu trai không có ai có thể thay thế được. Thanh Thúy đã đồng ý trở lại Sài Gòn để sinh hoạt văn nghệ. Có một sự trùng hợp, không lâu sau đó thì Thanh Thúy rất được yêu mến với ca khúc Một chuyến bay đêm của nhạc sĩ Song Ngọc – Hoài Linh, nói về nhiệm vụ của người phi công trên bầu trời hàng đêm, công việc có liên quan đến chuyên môn của chồng bà:

“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,
Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió.
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.
Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều
Để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy Ngân Hà.
Giờ sống giữa lưng trời,
Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi…”.

Trung tá Ôn Văn Tài

Những năm tháng sau hôn nhân cho đến tháng 4/1975 bà đã đạt được những thành công lớn mà bất cứ ca sĩ nào cũng mong ước. Sau năm 1975, bà cùng chồng con sang Hoa Kỳ định cư. Tại đây, bà lập trung tâm băng nhạc mang tên “Thanh Thúy Productions” và cộng tác với một số trung tâm hải ngoại, điển hình là trung tâm Asia. Thỉnh thoảng, bà còn đi hát cho đài truyền hình SBTN và một số chương trình gây quỹ thiện nguyện.

Một huyền thoại đã đến với nền tân nhạc trước 75, dù cho vật đổi sao dời thì tiếng hát ấy vẫn còn đó, bóng hình vẫn còn đó. “Người yêu trong mộng của cả một thế hệ” vẫn sống mãi trong lòng những người muôn năm cũ. Xin lấy một đoạn trong bài hát Hình bóng cũ của nhạc sĩ Trúc Phương, một ca khúc mà Thanh Thúy trình bày rất thành công để kết lại bài viết đầu tiên của chúng tôi trong chuyên mục GÓC HOÀI NIỆM này:

“Từ sau hôm cách biệt vui buồn ai biết,
Những đêm ngõ hoang
Chờ trăng về muộn màng,
Hồn bâng khuâng mơ hình bóng đã ghi mãi trong lòng…”.

Hình bóng của một giai nhân bất hoại!

…Rơi Trên Ngàn…

14 thoughts on “Thanh Thúy – Tiếng Hát Liêu Trai

  1. Hoàng Sáng Lan says:

    Rất mến giọng hát chị Thanh Thúy. Bao nhiêu ký ức SG lại ùa về trong tôi. Ôi những ngày xưa thân ái đầy tiếng cười. Hôm nay nơi đất khách quê người, đọc bài viết chợt nhớ kỉ niệm xưa hồi còn ở VN. Tiếng hát liêu trai từng đêm chúng tôi vẫn nghe trên đài phát thanh mới đó đã mấy mươi năm. Cảm ơn tác giả bài viết đã giúp tôi khơi lại kỉ niệm thời trẻ không bao giờ có lại được. (salahoa)

  2. Văn Thịnh says:

    Sau khi đọc xong bài báo tôi vào mạng tìm nghe bài 1 chuyến bay đêm. Quả thật TT trình bày quá hay. Không biết tác giả này năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

  3. Thanh Phan says:

    Một bài viết rất sâu sắc về ca sĩ thanh thúy, tiếng hát mà tôi vô cùng yêu mến. Rất mong tác giả có thêm những bài viết về nền tân nhạc trước năm 1975. Thanks

  4. Michael Tình Nguyen says:

    Năm 65 tôi từng xem Thanh Thúy biểu diễn ở đơn vị chúng tôi tại BMT. Tôi nhớ hoài bản Mưa nửa đêm của Trúc Phương lúc đó TT ca tuyệt vời tới mức anh em chúng tôi đều có cảm tưởng yêu giọng hát này như yêu quê hương xứ sở. Thanh Thúy là người tình của hầu như tất cả anh em chúng tôi. Nhớ biết bao kỉ niệm xưa. Biết đến khi nào gặp lại. Cảm ơn Thanh Thúy. Cảm ơn người viết bài đã cho tôi giây phút hồi tưởng. Thời gian trôi qua nhanh quá. Ôi những người bạn cũ nay lưu lạc phương nào, kẻ còn người mất…

  5. Phan Thị Lan says:

    Tôi không thể nào quên những bài hát của Trúc Phương qua giọng hát của Thanh Thúy. Ngày đó lúc còn là một cô nữ sinh Đồng Khánh tôi cùng bạn N thường nghe Thanh Thúy hát trên đài. Giọng ca chị rất đặc biệt, lúc đó nghe chị hát chúng tôi có cảm tưởng như đang ở 1 nơi mênh mông nào đó. Mới đó đã qua nửa đời người. Xin cảm ơn tác giả đã có 1 bài viết rất hay về chị Thanh Thúy.

  6. Cà phê An Lộc says:

    An Lộc những ngày thơ mộng 65-70 ba tôi thường bật nhạc Trúc Phương qua tiếng hát Thanh Thúy mỗi chiều. Lúc đó tôi còn nhỏ, nghe bà hát cảm thấy rất sợ. Bây giờ hơn 50 năm trôi qua, ba mẹ tôi đã qua đời. con trai tôi mở quán cà phê ở An Lộc và nó thường mở nhạc Thanh Thúy mỗi ngày. Giờ tiếng hát ấy đã thành một trời kỉ niệm của đời tôi. Từ Sing nhớ về kỉ niệm cũ. Bài viết xâu sắc lắm. Cảm ơn tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *